15:35 ICT Thứ hai, 14/10/2024
Chào mừng các bạn đến với website Trường THCS Nguyễn Trãi - Núi Thành - Quảng Nam
Rss Feed

Menu website


truonghoc.edu.vn
 
trắc nghiệm online

Giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh từ những chuyện nhỏ

Đăng lúc: Thứ hai - 19/12/2016 14:49 - Người đăng bài viết: quantri
Giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh từ những chuyện nhỏ

Giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh từ những chuyện nhỏ

Tăng cường giáo dục lí tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cho học sinh, thoạt nghe sẽ dễ liên tưởng tới những vấn đề quá nặng nề, nhưng nếu nhìn từ những việc bình dị mà mỗi nhà trường đang làm sẽ thấy, chỉ cần bắt đầu từ những việc đơn giản.
Học hát Quốc ca đúng và câu chuyện dưới cờ

Ở Trường Tiểu học Quảng Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận giờ chào cờ sáng thứ hai hàng tuần luôn diễn ra trong sự trang trọng. Từ hơn một năm nay, phần hát Quốc ca trong mỗi giờ chào cờ không còn sử dụng băng đĩa thu sẵn như trước đây mà hoàn toàn do các em tự hát. Trường có hơn 200 học, trong đó học sinh khối 1, khối 2 chiếm khoảng 20%, đây là số học sinh chưa được học và chưa phải hát Quốc ca, các học sinh còn lại từ khối 3 trở lên sẽ là những người hát Quốc ca trong giờ chào cờ.

Cô giáo Lê Thị Lệ Chi, Tổng phụ trách Đội của Trường Tiểu học Quảng Sơn cho biết, các em học sinh bước vào lớp 3 sẽ bắt đầu được học hát Quốc ca, thầy cô dạy hát nhạc của nhà trường sẽ đảm nhiệm việc hướng dẫn các em. Để việc hướng dẫn đảm bảo kết quả các em hát đúng lời, đúng nhạc, thầy cô sẽ giảng giải cho các em ý nghĩa của bài hát Quốc ca, qua đó phần nào giúp các em cảm thấy tự hào và trang trọng mỗi khi hát.


Học sinh Trường Tiểu học Quảng Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận trong giờ thể dục giữa giờ.

Tự hào về những học sinh còn rất nhỏ tuổi mới đang tập đọc, tập viết nhưng rất nghiêm túc trong việc học hát và hát Quốc ca, cô giáo Lê Thị Thúy Vân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quảng Sơn chia sẻ, 100% học sinh từ lớp 3 trở lên của nhà trường thuộc Quốc ca, mỗi giờ chào cờ hay dịp trọng đại các em đều hát rất to và đều.

Hiện nay các em học sinh ở Trưởng Tiểu học Quảng Sơn vẫn hát Quốc ca với tiếng trống nhịp chứ chưa có đĩa nhạc nền, chính vì thế vẫn còn những học sinh chỉ thuộc lời mà chưa hát đúng phần nhạc của bài Quốc ca. Vì thế trong thời gian tới, nhà trường sẽ thay đổi cách hát từ dùng trống nhịp sang sử dụng nhạc nền.

Với mỗi em học sinh ở Trường THCS Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận, giờ chào cờ mỗi thứ hai hàng tuần cũng là dịp để những câu chuyện dưới cờ được kể, đó là những câu chuyện về truyền thống anh hùng, về những tấm gương anh hùng của chính mảnh đất Hàm Thuận Bắc.

Thầy giáo Đỗ Hoàng Hiếu, Hiệu trưởng Trường THCS Hàm Thắng cho biết, năm 2015, phòng giáo dục huyện chủ trương sử dụng cuốn Lịch sử đảng bộ huyện cùng các thông tin về lịch sử mảnh đất, con người Hàm Thuận Bắc, nhất là trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước vào giáo dục trong nhà trường. Từ đó mỗi thứ hai hàng tuần lại có một câu chuyện lịch sử được kể cho học sinh. Để thêm sinh động và hấp dẫn mỗi câu chuyện đều được gắn với những con người thật ngay cạnh các em, cũng có những câu chuyện dưới cờ do chính những nhân chứng sống kể lại.

Thầy Hiếu cũng cho biết thêm, do đặc thù nhà trường học hai buổi nên thứ hai hàng tuần luôn có hai lần chào cờ vào tiết đầu buổi sáng và tiết cuối buổi chiều. Các câu chuyện dưới cờ luôn được kể đầy đủ trong mọi tiết chào cờ. Ngoài ra, những câu chuyện dưới cờ của nhà trường còn là những gương học sinh chăm ngoan học giỏi, vượt khó nỗ lực học tập tốt. Sự lồng ghép giữa quá khứ, hiện tại hợp lý cũng giúp các em thấy hấp dẫn hơn với mỗi câu chuyện trong giờ chào cờ.


Một góc thư viện xanh của Trường THCS Bắc Bình 3, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận.

Không chỉ ở Trường THCS Hàm Thắng mà tất cả các trường phổ thông thuộc huyện Hàm Thuận Bắc đều thực hiện nghiêm túc và sáng tạo câu chuyện dưới cờ. Ông Phan Minh Đức, Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hàm Thuận Bắc cho biết, Hàm Thuận Bắc là huyện anh hùng, trong những năm kháng chiến chống Mỹ huyện đã đóng góp rất nhiều cho đất nước, Hàm Thuận Bắc là huyện có nhiều bà mẹ anh hùng nhất tỉnh Bình Thuận và là một trong những huyện đứng đầu cả nước. Khơi đậy được niềm tự hào truyền thống quê hương chính là góp phần tăng cường giáo dục lí tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cho các em học sinh thế hệ hôm nay.

Mô hình thư viện xanh và những cách khơi dậy văn hóa đọc

Thư viện xanh ở Trường THCS Bắc Bình 3, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận là một góc hành lang nhỏ của dãy nhà học chính. Hai bên tường được vẽ trang trí rất sinh động bằng những hình ảnh sinh động, nhiều màu sắc và giàu ý nghĩa, đây là tác phẩm của chính các em học sinh trong trường. Giá sách của “thư viện” nằm gọn một góc với khoảng trên 200 cuốn sách, 3 dãy ghế học sinh được đặt ngay ngắn và không bao giờ trống chỗ mỗi giờ ra chơi.

Em Phước Hưng, học sinh lớp 7A1, Trường THCS Bắc Bình 3 là một trong những học sinh luôn có mặt tại thư viện xanh mỗi giờ ra chơi cho biết, em thích góc đọc này vì rất thoáng mát và gần gũi. Em cũng chia sẻ, do số lượng sách không nhiều nên em gần như đã đọc hết cả “thư viện” rồi, em mong trong thời gian tới nhà trường sẽ đầu tư hoặc thu thập được nhiều sách hơn nữa để các em có cơ hội được đọc nhiều hơn những cuốn sách hay, bổ ích.


Học sinh chăm chú trong không gian thư viện Trường THCS Bắc Bình 3,
huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận.

Để khơi dậy tinh thần ham đọc sách của học sinh, Trường THCS Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc có một cách làm rất riêng, đó là khen thưởng các tập thể lớp có đông học sinh đến đọc sách ở thư viện nhà trường, cô giáo phụ trách thư viện sẽ là người ghi chép để thống kê hàng tuần. Để tránh có trường hợp “gian lận” để nhận thưởng như chỉ vào thư viện điểm danh mà không đọc sách, nhà trường thực hiện ghi chép đầy đủ cả tên sách các em đã đọc và sau đó thực hiện kiểm tra thông qua việc cho các em kể chuyện vào mỗi buổi tuyên dương.

Bà Nguyễn Thị Bích Hòa, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận cho biết, thư viện xanh là mô hình đã được nhân rộng trong các trường phổ thông trong toàn tỉnh. Bằng cách lựa chọn các địa điểm khác nhau trong nhà trường như góc hành lang, dưới các tán cây xanh, thư viện xanh đã góp phần tạo sức hút cho các em học sinh về không gian đọc. Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận cũng rất quan tâm tới việc trang bị đầu sách cho các thư viện để đảm bảo đủ sách đọc cho các em. Sở đang có kế hoạch trong năm tới tăng cường sách và huy động các nguồn tài trợ sách cho các nhà trường.

Giáo dục lí tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cho học sinh trong thời điểm mà các em có rất nhiều cách để tiếp nhận thông tin như hiện nay không phải chuyện dễ dàng. Những thứ xáo mòn, khẩu hiệu giờ dường như không còn phù hợp. Hiểu các em, tạo ra cho các em các điều kiện để các em tự mình trải nghiệm có lẽ mới là cách để các em có được một lối sống đẹp.

Tác giả bài viết: Trung tâm Truyền thông giáo dục
Nguồn tin: www.moet.gov.vn
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Hình ảnh hoạt động

 

Điều hành công việc


Liên kết website

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập: 3
  • Khách viếng thăm: 2
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 2618
  • Tháng hiện tại: 79578
  • Tổng lượt truy cập: 3834774

NHỮNG MẪU CHUYỆN VỀ ĐẠO ĐỨC BÁC HỒ


TÌM HIỂU 45 NĂM THỰC HIỆN DI CHÚC BÁC HỒ

Liên kết






Công ty Phú Bình Pro
thiết kế web Quảng Nam